"Nhà em có một con gà. Buổi sáng thức dậy, nó nhảy từ dưới đất lên nóc chuồng, rồi lại nhảy lên đống củi, vỗ cánh và gáy ầm ĩ. Tức mình, em ném nó què chân".
Đây chỉ là một trong những "áng văn" độc đáo mà tôi đã gặp trong quá trình dạy học. Có lẽ em này chuyên đọc những truyện tranh kiểu như: "Đấm! Đá! Hự ! Bụp!..." và đã áp dụng khá nhuần nhuyễn khi làm bài văn "Tả con gà nhà em".
Còn đây là bài văn "Tả sinh hoạt một buổi tối ở gia đình em": "Ăn cơm xong, bố em ngồi uống nước, mẹ em thì rửa bát, còn chúng em cất xoong nồi. Bỗng điện phụt tắt. Bố em bảo: 'Thôi, hôm nay lại mất điện, cả nhà mình đi ngủ sớm!'". (Có khả năng nhà học sinh này ở khu vực hay bị ông điện cắt đột xuất).
Một học sinh giỏi toán của lớp, bố mẹ suốt ngày bắt "làm toán đi", thì tả cô giáo: "Chiều dài của cô giáo em là..., chiều rộng của cô giáo em là...". (Xin lỗi, tôi không thể tiết lộ (...) được).
Khi cô giáo ra đề bài: "Tưởng tượng mình là Thánh Gióng lên tâu với Ngọc Hoàng những việc mình đã làm dưới trần gian", có em đã viết: "Lên đến cổng trời, ta gặp ngay ông Thiên Lôi, ông ấy cười khà khà vỗ vai ta và rủ ta vào nhà ông ấy làm vài chén rượu cho đã". Chao ôi! Sự tưởng tượng này rất có thể bắt nguồn từ thực tế em được chứng kiến các cuộc nhậu triền miên ở xung quanh.
Một học sinh mê truyện trinh thám thì tả tiết học trong lớp như thế này: "... Cô giáo em đang giảng bài, bỗng nhiên có tiếng gõ cửa như làm ám hiệu: Cạch... cạch... cạch. Và sau làn kính mờ là một bóng đen đứng lặng im. Cô giáo em rón rén ra mở cửa, cả lớp im lặng hồi hộp... Trời! Thì ra là bác hội trưởng hội phụ huynh của lớp...".
Với đề bài "Em hãy tả bà nội thân yêu trong gia đình em", một học sinh "tả thực" như sau: "... Bà nội em rất hiền. Mắt bà một mí nhìn sụp xuống. Bà khoái ăn trầu, ngày nào cũng ăn, nhổ ra cái nước đỏ lòm. Bà rất thích đánh em vì em hay trốn ngủ trưa. Cái roi bà giấu sau cánh cửa. Bà sai em đi mua cho bà ly chè sương sa, bánh lọt. Vừa đi em vừa húp bớt lớp nước dừa ở trên vì nó béo lắm. Về nhà nhìn ly nước, bà sai em ra xin thêm nước dừa và chê bà bán hàng hà tiện nước dừa. Em đâu có dám xin thêm. Bà em rất cao. Thân bà cao bảy thước. Gần nhà em có mấy cái cô bán bia ôm, buổi trưa hay la lối, cười giỡn om sòm với mấy cái ông lạ hoắc ở đâu tới. Bà tức lắm, chống nạnh chửi qua. Mấy cô thấy bà cao lớn, không dám chửi lại".
Ca dao, tục ngữ vốn là những thứ rất thân thuộc với người Việt từ nhỏ. Thế mà học sinh, sinh viên của chúng ta cũng có những kiến giải rất lý thú. Một nữ sinh giải thích câu tục ngữ "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh" như thế này: "Câu tục ngữ nói lên sự dã man của bọn giặc cướp, khi đã tràn vào làng mạc, nhà cửa thì không cứ đàn ông, mà cả đàn bà, trẻ em chúng cũng đánh đập, hành hạ...". Hay như câu "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ" có người giải thích một cách đầy "sáng tạo": "Câu tục ngữ cho thấy sự thông minh của loài ngựa, chúng thấy có một con bị đau là cả bọn bỏ ăn ngay, để đề phòng bệnh lây lan qua đường tiêu hoá".
Thế mới biết, có rất nhiều yếu tố tác động đến việc học văn của học sinh, để chúng ta đã và đang được thưởng thức những bài văn, câu văn... dựng tóc gáy.